Tiểu sử Dận_Y

Hoàng tử Doãn Y nguyên danh là Dận Y (tiếng Mãn: ᡳᠨ ᡳ, Möllendorff: In i, chữ Hán: 胤禕), sinh ngày 25 tháng 7 (âm lịch) năm Khang Hi thứ 45 (1706), mẹ là Thứ phi Cao thị tức Tương tần. Từ năm Khang Hi thứ 55 (1716) đến năm 61 (1722), suốt 7 năm ông thường xuyên theo Khang Hi tuần du tái ngoại, có khi thì đến bãi săn Mộc Lan săn bắn, có khi lại đến ngoại ô kinh thành dạo chơi. Sau khi Ung Chính lên ngôi, ông đổi tên thành Doãn Y để tránh kỵ huý.

Năm Ung Chính thứ 4 (1726), tháng 5, ông được phong Cố Sơn Bối tử cùng lúc với Hoàng thập ngũ tử Dận Vu được phong Đa La Bối lặc.

Năm thứ 8 (1730), tháng 2, tấn phong Đa La Bối lặc [1].

Năm thứ 12 (1734), tháng 8, Ung Chính Đế vì hai lần phái ông tế lăng đều bị ông lấy cớ bệnh từ chối. Vì vậy liền báo cho Tông nhân phủ cách đi tước vị Bối lặc của ông, hàng xuống Phụ quốc công. Cùng bị phạt với ông còn có cháu trai Hoằng Xuân (trưởng tử của Tuân Cần Quận vương Dận Trinh) [2].

Năm thứ 13 (1735), tháng 8, Ung Chính Đế qua đời, linh cữu quàn tại Càn Thanh cung, ông không được phép hành lễ trong nội điện.

"Càn Long thực lục" có ghi chép lại: "Dụ: Hoằng Chí, Hoằng Hiểu, Hoằng Cảnh, Hoằng Giao [3], Hoằng Phổ, đều là Hoàng khảo quyến ái giáo dưỡng. Không phải chư vương ở ngoài khác có thể so sánh. Mỗi ngày vào giờ cung hiến, cùng với chư Vương tiến vào nội điện. Công Doãn Y, Doãn Kỳ, ứng dữ Bối lặc Doãn Hi, Doãn Hỗ, đều hành lễ tại thềm son ngoài Càn Thanh cung".[4]

Tháng 9, Càn Long Đế kế vị. Ngày 24, Càn Long Đế hạ chỉ, lệnh ông có thể tiến điện hành lễ, đồng thời phục phong cho ông làm Đa La Bối lặc, lệnh thủ hộ Thái lăng.[5] Ngày 13 tháng 11, sinh mẫu của ông là Thứ phi Cao thị được phong Hoàng khảo Tú Quý nhân.

Năm Càn Long nguyên niên (1736), ngày 16 tháng 2, Càn Long Đế ra chỉ dụ:

前因雍和宫管人疏纵, 将王, 贝勒等交宗人府议处, 后经降旨, 胤祎着照侍郎之例.

.

Tiền nhân Ung Hòa cung quản nhân sơ túng, tương Vương, Bối lặc đẳng giao tông nhân phủ nghị xử, hậu kinh hàng chỉ, Dận Y trứ chiếu Thị lang chi lệ.

Năm thứ 2 (1737), tháng 3, sau khi Ung Chính Đế nhập Thái lăng, ông đảm nhiệm việc thủ lăng. Năm Càn Long thứ 9 (1744), ông trở thành Thái lăng Lĩnh thị vệ Nội đại thần.

Năm thứ 20 (1755), ngày 21 tháng 5, ông mất, thọ 50 tuổi. Thụy hiệu Giản Tĩnh (簡靖)[1].